ĐÃI DOANH NGHIỆP?

“Đãi doanh nghiệp nước ngoài như thế khác nào giết chết chúng tôi?”

Dù được đẩy lên là một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam song những năm qua, hàng loạt doanh nghiệp cơ khí trong nước phải tán gia bại sản. Mà nguyên nhân được nhận định một phần là do sự nuông chiều quá mức đối với doanh nghiệp ngoại quốc.

Phát biểu tại hội thảo cơ khí Việt Nam hành trang trước thềm Hiệp định TPP diễn ra sáng nay, 27/4, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam – VAMI, cho hay: Kể từ năm 2000 đến nay, ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước thích ứng với cơ chế thị trường, tạo ra sản phẩm có năng suất , chất lượng tốt, phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ cơ khí Việt Nam tham gia thực hiện các công trình rất thấp, dẫn đến lợi nhuận rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài và không có lợi nhuận để tích luỹ phát triển.

Về đầu tư, 15 năm qua, Nhà nước dành nguồn đầu tư cho cơ khí luyện kim thấp hơn những ngành kinh tế công nghiệp khác như ngành điện, giao thông, viễn thông… dẫn tới năng suất, chất lượng các ngành khác yếu kém.

Trong khi đó, ngành cơ khí Việt Nam chỉ dừng lại ở gia công, chưa tự chế tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế và bị thua ngay trên sân nhà. Dẫn đến, hàng năm, Việt Nam nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho ngành công nghiệp và chế tạo cơ khí, luyện kim…

Cũng theo ông Long, hiện tại có quá nhiều doanh nghiệp cơ khí gặp thời cơ vận hội, vay hàng nghìn tỷ đồng tư nhà nước để làm ăn nhưng lại thất bại thảm hại. Tình trạng đầu tư tràn lan, không nghiên cứu sâu dẫn đến nhều doanh nghiệp cơ khí phá sản, nợ xấu nhà nước tăng, đổ gánh nặng lên đầu nhân dân.

“Nếu cứ để ngành cơ khí luyện kim như hiện nay thì không được. Tôi lấy ví dụ như nhà máy gang thép Thái Nguyên đang chờ thêm 4.000 tỷ đồng nữa thì phải có chủ trương cụ thể. Chính sách nhà nước với cơ khí nhập nguyên vật liệu rất lớn, nhiều ưu đãi nhưng phải biết là ưu đãi cho  nào, ưu đãi như thế nào chứ không được tràn lan…”, ông Long nhấn mạnh.

So sánh doanh nghiệp cơ khí trong nước với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ông Long cho hay, doanh nghiệp nội phải chịu quá nhiều bất lợi, thua thiệt so với các doanh nghiệp FDI.

“Tôi nói rồi, muốn trở thành “Trung tâm chế tạo” của thế giới thì Việt Nam phải tháo gỡ các chính sách làm sao để vừa thu hút đầu tư nhưng kéo lại sự bình đẳng cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu Trung tâm sẽ ảnh hưởng đến môi trường Việt Nam như thế nào? Chắc chắn nhiều nước đang muốn chuyển những ngành sản xuất công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường sang nước khác. Do vậy, có nên đưa đất nước trở thành Trung tâm gia công trong những năm tới không?”, ông Long khuyến cáo.

Đồng quan điểm với ông Long, ông Lê Văn An, Tổng GĐ Công ty Agrimeco (thuộc VAMI) cho hay, hiện nay, có một sự không công bằng trong chính sách đối đãi ngoại và bỏ nội.

Doanh nghiệp nội phải đóng thuế đất trong khi các doanh nghiệp ngoại được hưởng nhiều ưu đãi, được miễn thuế đất trong 4 năm đầu, từ năm thứ 5 đến năm thứ 9 giảm 50% thuế đất và rất nhiều ưu đãi khác.

Nhà nước giữ ưu đãi nhưng họ phải xuất khẩu sản phẩm chứ không phải để tiêu thụ trong nước. Ưu đãi mà như thế là giết chết chúng tôi.

Tại sao không tạo nhiều ưu đãi phát triển  nội mà chỉ chú trọng thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, một nền kinh tế phụ thuộc quá vào doanh nghiệp nước ngoài liệu phát triển có bền vững?”, ông An đặt dấu hỏi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết doanh nghiệp cơ khí cần phải có tiếng nói để thay đổi.

Hiệp hội cơ khí đề nghị Quốc hội, Chính phủ xét, sửa đổi thuế đất hoặc miễn giảm thuế đất trong một thời hạn nhất định đối với  sản xuất trong nước nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng.

Do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp FDI được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Hiệp hội cơ khí Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn hàng cơ khí xuất khẩu, điều này các nước đã làm từ lâu.

“Kinh tế thị trường rất khốc liệt, doanh nghiệp cạnh tranh để tồn tại, nhất là ngành cơ khí nếu không đổi mới công nghệ kịp với xu hướng thế giới sẽ bị lạc hậu.

Chúng tôi đã chứng kiến nhà máy đóng tàu lớn thứ 6 ở Hàn Quốc chuyên đóng tàu ngầm nhưng hiện phải phá sản vì không có sản phẩm, không có việc làm. Chúng tôi mong Việt tiếp cận với công nghệ mới kỹ thuật tiến tiến để có sản phẩm cạnh tranh”, Chủ tịch VAMI cho biết.